Hữu tướng nước Thương Y_Doãn

Sử sách chép chưa hoàn toàn thống nhất về lai lịch của Y Doãn. Sử ký Tư Mã Thiên nêu ra những thuyết khác nhau về việc Y Doãn đến với Thành Thang. Có thuyết cho rằng thời đó có một bộ lạc là Hữu Sằn gả con gái cho Thang, đi theo hầu có một người hầu là Y Doãn. Thấy Y Doãn có tài, Thương Thang liền cho làm hữu tướng. Tuy nhiên, Sử ký cũng dẫn thuyết khác cho rằng, Y Doãn là ẩn sĩ, Thành Thang nghe tiếng sai người đến mời 5 lần, Y Doãn mới nhận lời ra giúp[1]. Thuyết này có nhiều điểm tương đồng với lai lịch Y Doãn được ghi chép trong truyện Phong thần diễn nghĩa. Tại hồi thứ nhất Trụ Vương tế miễu bà Nữ Oa, sách chép rằng: "Thành Thang là người nhân đức và trung hậu, nghe đồn ông Y Doãn là người tài trí, thất thời, ẩn cư cày ruộng nơi Sằn Dã, liền đến rước về, dâng cho vua Kiệt, nhà Hạ dùng. Ấy vì lòng trung, Thành Thang không dám dùng riêng người tài cho mình. Ai ngờ vua Kiệt bất trí, không biết dùng người tài, nghe lời dua mị, không trọng dụng Y Doãn, Y Doãn bỏ vua Kiệt trở về với Thành Thang."

Còn có sách khác chép rằng, Y Doãn đã bỏ Thương sang làm quan cho Hạ Kiệt, nhưng sau đó thấy Kiệt hoang dâm tàn bạo, khinh rẻ chư hầu nên Y Doãn trở lại với Thành Thang. Thành Thang vẫn một lòng kính trọng và trọng dụng Y Doãn[2]. Có ý kiến rất khác biệt, căn cứ vào Trúc thư kỉ niên, một cuốn biên niên sử cổ của nước Ngụy thời Chiến Quốc được phát hiện năm 281 đời Tây Tấn: Y Doãn thực chất được Thành Thang cử sang làm gián điệp bên nhà Hạ, lợi dụng sự bất mãn của nàng Muội Hỷ khi nàng không còn được Hạ Kiệt sủng ái để lấy tin tức về tình hình Hạ Kiệt. Sau khi nắm được nội tình nhà Hạ, Y Doãn trở về với Thành Thang[3].

Ngoài ra, Thành Thang còn thu dụng một người ở bộ lạc khác đến là Trọng Hủy, cho làm tả tướng. Y Doãn và Trọng Hủy được giao trọng trách xử lý công việc trong bộ lạc, đó là việc trái với thông lệ nhiều đời chỉ bó hẹp quyền hành trong tay những người nội tộc của nước Thương.